Khi bạn chìm vào giấc ngủ sẽ luôn có những điều kỳ lạ xảy ra. Hầu hết mọi người đều từng trải qua một trong những trạng thái này.
1. Bóng đè
Hiện tượng bóng đè xảy ra là khi đột nhiên bạn tỉnh dậy giữa đêm và không thể nào cử động được cơ thể. Người bị bóng đè có cảm giác như có ai đó đang ở trong phòng mình. Vào thời cổ đại, người ta cho rằng hiện tượng này có liên quan tới ma quỷ.
Khi chúng ta ngủ, cơ thể rơi vào trạng thái tê liệt. Với trạng thái này, ngay cả khi não của chúng ta thức dậy đột ngột thì các cơ vẫn đang ở trạng thái “ngủ”. Đó là lý do vì sao chúng ta không thể cử động khi hiện tượng bóng đè nay diễn ra.
2. Ảo giác Hypnagogic
Ảo giác Hypnagogic diễn ra khi cơ thể một người đang trong trạng thái ngủ nhưng đầu óc vẫn nhận thức được những điều xung quanh, không chỉ thế, họ còn có thể nhìn thấy những khuôn mặt đáng sợ, hình thù kỳ dị.
Đây là một trong những loại ảo giác mà những người có bệnh lý về tâm thần có thể gặp phải. Trẻ em thường gặp phải loại ảo giác này hơn người lớn, có thể đó là lý do tại sao vài đứa trẻ không muốn đi ngủ. Nguyên nhân của loại ảo giác này được đoán là do căng thẳng hoặc do trí tưởng tượng quá phong phú, đôi khi nó xuất hiện khi bạn chìm vào giấc ngủ trong cơn say bia, rượu.
3. Nói mê
Chứng nói mê có tên gọi khoa học là somniloquy. Thông thường, những người mắc chứng nói mê trong giấc ngủ không hề ý thức được những điều mình đã nói. Về mặt tâm lý, tình trạng này không hề nguy hiểm đối với con người.
Đàn ông và trẻ em là những người hay mắc chứng nói mê, phần lớn là do gặp phải tâm lý căng thẳng. Đó là khi tâm trí của họ đang cố chống lại những gì đã diễn ra trong thực tế.
4. Giấc mơ trong giấc mơ
Đã khi nào bạn thấy mình tỉnh dậy, thực hiện những hành động bình thường nhưng hóa ra bạn chỉ đang ở trong giấc mơ và rồi lại tỉnh dậy một lần nữa? Đó chính là hiện tượng mơ trong mơ. Bạn chỉ đang mơ rằng mình tỉnh dậy. Hiện tượng này đã từng xuất hiện trong bộ phim “Đánh cắp giấc mơ” (Inception). Sau thành công của bộ phim, nhiều người đã chia sẻ rằng họ cũng từng gặp phải hiện tượng này.
Một số người cho rằng nếu bạn từng gặp phải giấc mơ như vậy, điều đó có nghĩa là bạn có khuynh hướng sở hữu khả năng liên quan tới tâm linh. Đến nay khoa học vẫn chưa thể lý giải hiện tượng này.
5. Mộng du
Triệu chứng này ngược lại với triệu chứng tê liệt khi ngủ, ý thức của bạn vẫn trong trạng thái ngủ còn cơ thể thì lại hoạt động. Khi rơi vào trạng thái mộng du, nhiều người có thể đi bộ, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí là ra khỏi nhà. Khi rơi vào trạng thái này, người mộng du có thể thực hiện những hành động nguy hiểm và không nhớ bất cứ điều gì khi tỉnh dậy.
Có khoảng 4,6% - 10,3% dân số mắc phải chứng mộng du. Trẻ em có xu hướng gặp phải tình trạng này nhiều hơn người trưởng thành. Hiện nay khoa học vẫn chưa tìm được lời giải đáp cho hiện tượng này.
6. Cảm giác “đầu nổ tung”
Khi vừa chợp mắt, một số người nghe thấy một tiếng nổ lớn hay tiếng vỗ tay. Thậm chí nó có thể làm bạn thấy điếc tai nhưng nó không có thực mà chỉ diễn ra trong đầu của bạn. Hiện tượng này không nguy hiểm tới con người nhưng nó có thể làm chúng ta sợ hãi.
Hiện tượng “đầu nổ tung” có thể xảy ra khi có sự gia tăng hoạt động của các dây thần kinh ở vùng não chịu tránh nghiệm xử lý âm thanh. Đôi khi, hội chứng này còn có thể là sự kết hợp của chứng mất ngủ và căng thẳng do chênh lệch múi giờ sau một chuyến bay dài.
7. Chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ là một người đột ngột ngưng thở trong giấc mơ và khiến họ choàng tỉnh dậy. Khi chất lượng giấc ngủ giảm xuống, não thiếu ô-xi sẽ dẫn đến việc người đó bị thiếu ngủ. Áp lực động mạnh cũng giao động trong suốt quá trình này. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây nên các vấn đề về tim mạch.
Khi ngủ, cơ thắt lưng thư giãn và đôi khi dẫn đến việc tắc nghẽn đường thở. Những người mắc bệnh béo phì, hút thuốc lá hoặc nhiều tuổi có nguy cơ cao gặp phải chứng ngưng thở khi ngủ. Có một phương pháp thú vị được cho rằng làm giảm chứng ngưng thở khi ngủ đó là chơi nhạc cụ didgeridoo, một loại nhạc cụ của Úc.
8. Lặp lại giấc mơ
Nhiều người gặp phải tình trạng cứ lặp đi lặp lại một giấc mơ. Các nhà khoa học cho rằng bộ não lặp đi lặp lại những giấc mơ như vậy để khiến chúng ta chú ý đến những điều mà mình không hề chú ý tới trong cuộc sống hàng ngày. Những giấc mơ như vậy vẫn sẽ diễn ra cho tới khi chúng ta chú ý tới điều đó.
9. Rơi tự do
Đôi khi chúng ta có cảm giác như vừa bị rơi từ trên cao xuống giường. Trước đó, có thể trong giấc mơ bạn cảm thấy mình như đang bay, vấp ngã hoặc rơi xuống từ trên cao. Điều này làm nhiều người giật mình. Dĩ nhiên cảm giác bị rơi xuống thật không dễ chịu chút nào.
Khi ngủ, cả nhịp tim và hơi thở đều chậm, các cơ giảm hoạt động. Lúc này, não bộ rơi vào trạng thái “sợ hãi” không biết rằng liệu đây có phải cái chết không? Não bộ của chúng ta sẽ muốn kiểm tra việc đó bằng cách thúc đẩy hoạt động của các cơ bắp bằng cách không mấy dễ chịu này.
10. Thoát khỏi cơ thể
Đây có thể coi là một trạng thái tâm thần khi một người “nửa tỉnh, nửa mê”. Họ có thể tự nhìn thấy mình từ bên ngoài của cơ thể. Có nhiều quan niệm cho rằng điều này thể hiện sự tồn tại của linh hồn.
Đây là một hiện tượng vẫn chưa thể lý giải. Các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được tại sao hiện tượng này lại xảy ra, nó diễn ra như thế nào và cũng chưa có cách khắc phục hiện tượng này. Tuy nhiên, một số người đã tìm ra cách rơi vào hiện tượng này để có thể mở rộng ranh giới nhận thức và khả năng của bản thân.
11. Đột ngột hiểu ra trong giấc ngủ
Đôi khi chũng ta suy nghĩ về một vấn đề trong một thời gian dài nhưng vẫn không thể tìm được lời giải đáp và cứ nghĩ mãi về nó cho tới khi chìm vào giấc ngủ. Trong mơ, não sẽ giúp chúng ta “gỡ nút thắt” ấy. Tuy nhiên điều quan trọng là bạn phải nhớ nó khi tỉnh dậy.
Dmitri Mendeleev, một nhà hóa học người Nga đã theo đuổi việc tạo ra bảng chu kỳ của những nguyên tố hóa học. Sau đó ông đã nhìn thấy điều này trong giấc mơ của mình.
Điều tương tự xảy ra với August Kekulé - nhà hóa học người Đức, ông đã tìm thấy công thức chế tạo benzen trong mơ.
Điều này xảy ra khi tiềm thức biết câu trả lời, nhưng chúng ta không thể nhận thức được nó. Khi ngủ, tiềm thức hoạt động mạnh hơn và khiến chúng ta thấy rõ đáp án cho điều mà mình vẫn đang băn khoăn.
Theo Tri thức trẻ
Đăng nhận xét